Tin tức

3 lý do thúc đẩy hoạt động tín dụng sẽ sôi động trong quý II - 2021

Posted on 08/05/2021 By Admin

Nhu cầu vốn được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới và tăng trưởng tín dụng theo đó cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục từ quý II trở đi. Các chuyên gia tại SSI Research cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I và đầu quý II/2021, nhưng sẽ tăng từ tháng 6 khi nhu cầu tín dụng cao trở lại. Và 3 lý do sau đây được cho sẽ thúc đẩy hoạt động tín dụng sôi động trong Quý II/2021 


1. Tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, tình hình dịch được kiểm soát trong thời gian tới 


Các dự báo cho thấy lãi suất có khả năng sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý II/2021. Theo dự báo của HSBC, lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến khoảng 3%. Việc duy trì tỷ lệ lạm phát dưới mức 4% sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước giữ vững quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp trong suốt năm 2021 và mặt bằng lãi suất đầu vào và đầu ra sẽ không có biến động lớn.


Tuy nhiên, hiện tại nền kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều ngành hàng sẽ phải mất thêm thời gian để phục hồi nên các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… cũng sẽ gặp rủi ro hơn. Trong bối cảnh đó, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là kênh an toàn đối với người dân. Thêm vào đó, lãi suất huy động đang có xu hướng đi lên sẽ thu hút được tiền gửi của người dân trong bối cảnh hiện nay.


Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, lãi suất huy động có thể tăng trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai và lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại


2. Hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh


Trong báo cáo vĩ mô tháng 2/2021, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, lãi suất huy động tiếp tục trong xu hướng giảm và sau đó duy trì ở mặt bằng thấp. Áp lực tăng nếu có nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn. Chính vì vậy, VCBS dự báo về các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được duy trì ít nhất cho tới năm 2022, khi mục tiêu ưu tiên của nhiều ngân hàng trung ương lớn trong giai đoạn này vẫn là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.


Thực tế ghi nhận tại một số ngân hàng cũng cho thấy dấu hiệu khả quan về tín dụng trong quý 1 năm nay. Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), quý I, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt khoảng 4% so với cuối năm 2020. Mức tăng trưởng này được cho là tích cực hơn so với năm 2020, nhờ những biện pháp kiểm soát dịch tốt của Chính phủ và triển vọng hồi phục của nền kinh tế.


3. Cơ cấu tín dụng sẽ tiếp tục chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP


Theo NHNN, năm nay, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, so với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu năm 2020 tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%, đáng chú ý tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch COVID-19 tăng 11%, cao hơn mức chung của toàn ngành. Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.


Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay: Năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả. NHNN chú trọng định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.