Tin tức

Doanh nghiệp vừa và nhỏ giữa làn sóng Covid thứ 3 - Doanh nghiệp rất cần được giúp đỡ !

Posted on 08/05/2021 By Admin

Dịch Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) chưa thoát khỏi khó khăn. Vì vậy, gỡ khó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN vẫn là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Đặc biệt, có hay không nếu dịch covid lại một lần nữa quay trở lại ! 


1. Doanh nghiệp còn đang rất khó khăn sau 2 đợt covid vừa qua 


Mọi năm vào thời điểm chớm hè tháng 3,4 như hiện nay, nhu cầu mua sắm đồ dùng cho mùa hè của người dân rất cao, nhưng từ năm ngoái đến nay, tình hình vô cùng khó khăn, người dân thật sự hạn chế tiêu dùng. Do khó khăn, người tiêu dùng chi tiêu rất ít, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thực sự thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày.


Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ tiêu dùng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Người dân giảm chi tiêu, trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên thì các doanh nghiệp vẫn phải duy trì, khiến DN lâm vào cảnh khó khăn.


Không chỉ DN phân phối, nhiều DN sản xuất cũng chưa thoát khỏi khó khăn vì nguyên, vật liệu phục vụ cho sản xuất vẫn còn thiếu. Cùng với đó, các đơn hàng mới cũng chỉ nhỏ giọt, một số DN, công nhân vẫn phải nghỉ luân phiên vì không đủ việc làm.


Theo tổng hợp khảo sát từ 10.197 DN trên toàn quốc, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành mới đây cho thấy có 87,2% DN tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% DN tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).


Theo báo cáo, hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Đối với DN tư nhân, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn hơn 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ…


2. Doanh nghiệp đang rất cần các gói hỗ trợ được mở rộng 


Nhà nước cần tiếp tục bổ sung các chính sách, các gói hỗ trợ hiệu quả để giúp DN vượt qua khó khăn. Trong đó, nên tập trung vào các nhóm chính sách, bao gồm: Tiếp tục thực hiện và mở rộng các gói hỗ trợ đã ban hành theo một tiêu chí về đối tượng được nhận hỗ trợ, thời gian và mức hỗ trợ theo các Nghị quyết 41/2020/NQ-CP và Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP của Chính phủ. 


Xem xét giảm thuế thu nhập DN đến hết năm 2021 áp dụng cho tất cả các DN với các mức khác nhau phân theo doanh thu, ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Miễn, giảm phí, thuế và tiền thuê đất đến hết năm 2021, tiếp tục thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng; xem xét gói hỗ trợ tín dụng cho DN với lãi suất vay ưu đãi; cần có chính sách hiệu quả để tiếp tục hỗ trợ khách hàng, thị trường tiêu thụ, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, kết nối DN.